• :
  • :
Phòng GD&ĐT thành phố Bắc Giang chào mừng Kỷ niệm Ngày giải phóng Miền nam, thống nhất đất nước (30/4/2024) và Ngày Quốc tế Lao Động (01/5/2024)
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học-một yếu tố quan trọng đảm bảo điều kiện thực thi hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018

1. Sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học là gì?

Sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học (SHCM-NCBH) là một loại hình hoạt động cơ bản của nhà trường, nhằm tổ chức việc học tập, nâng cao năng lực chuyên môn của giáo viên (GV) tại nhà trường thông qua nghiên cứu cải tiến việc học của học sinh (HS) trong bài học hằng ngày (là bài học/hoạt động cụ thể trong chương trình giáo dục của nhà trường, do GV thực hiện với toàn bộ HS ở lớp học của mình).

 SHCM-NCBH đã trở nên rất quen thuộc đối với mỗi cán bộ, GV trong ngành giáo dục. SHCM-NCBH là hoạt động được thực hiện thường xuyên theo định kỳ nhằm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực sư phạm cho GV theo chuẩn nghề nghiệp thông qua việc dự giờ, phân tích bài học. Thuật ngữ “nghiên cứu bài học” (tiếng Anh là Lesson Study hoặc Lesson Research) theo tiếng Nhật (jugyo kenkyu) có nghĩa là nghiên cứu và cải thiện bài học cho đến khi nó hoàn hảo (theo Catherine Lewis, 2006). Thuật ngữ “nghiên cứu bài học” có nguồn gốc trong lịch sử giáo dục Nhật Bản, từ thời Meiji (1868 – 1912), như một biện pháp để nâng cao năng lực nghề nghiệp của GV thông qua nghiên cứu cải tiến các hoạt động dạy học ở từng bài học cụ thể.

Khái niệm về SHCM-NCBH đã được phát triển qua các giai đoạn ở tỉnh Bắc Giang theo 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Từ năm 2006 đến 2012 thuật ngữ "SHCM mới" được giới thiệu bởi Dự án JICA với mục tiêu là thay đổi tư duy, nhận thức, thói quen SHCM truyền thống (tập trung vào việc dạy của GV và đánh giá tiết dạy) và học cách thức SHCM mới (theo hướng tập trung quan sát, phân tích bài học, việc học của HS)..

Giai đoạn 2: Từ 2012 đến 2016 thuật ngữ "SHCM-NCBH". Trong đó tiếp tục rèn luyện kỹ năng tổ chức, thực hành SHCM mới; tập trung phân tích bài học, việc học của HS thông qua phân tích hình ảnh cụ thể; giới thiệu mở rộng đến từng trường toàn tỉnh về ý nghĩa, kỹ thuật; xây dựng một số mô hình điểm; xây dựng các điều kiện quản lý, chỉ đạo để thúc đẩy phát triển, nhân rộng đại trà.

Giai đoạn 3: Từ 2016 đến nay "SHCM-NCBH định hướng phát triển năng lực HS" chuyển trọng tâm hướng đến nâng cao năng lực GV đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu mới như: gắn kết SHCM song song với đổi mới đánh giá theo Thông tư 30 và Thông tư 22; giới thiệu, áp dụng phương pháp giáo dục học tập cộng tác trong SHCM NCBH; tiếp tục xây dựng một số mô hình điểm, gắn với yêu cầu "Chuyển từ giáo dục tiếp cận nội dung sang giáo dục tiếp cận năng lực và phẩm chất cho HS"; dần gắn kết SHCM-NCBH với chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT mới 2018.

GV thảo luận trong nhóm sau tiết dạy

Tuy tên gọi khác nhau nhưng bản chất SHCM-NCBH là hoạt động cộng tác học hỏi của các GV trong mỗi tập thể nhà trường. Việc học đó dựa trên quá trình quan sát-suy ngẫm-chia sẻ về thực tế việc của HS trong các bài học minh họa và bài học hàng ngày. Năng lực chuyên môn của mỗi GV sẽ được nâng cao, phát triển với quá trình và kết quả sau đây:

1) Người tham dự/GV tìm hiểu việc học của HS là để nhận diện được tình trạng học tập của mỗi HS, những khó khăn, sai lầm và các yếu tố đang cản trở (hoặc thúc đẩy) việc học tập của HS và tìm ra cách thức để tác động phù hợp, hiệu quả hơn.

2) Từ thực tế việc học của HS đã quan sát được trong mỗi bài học, mỗi GV sẽ suy ngẫm, tìm ra những bài học cho bản thân, từ đó thay đổi phương pháp dạy học để phù hợp hơn với HS. Việc suy ngẫm để tìm nguyên nhân, giải pháp phù hợp giúp GV hình thành và phát triển năng lực chuyên môn đó là: (1) Năng lực cảm nhận về việc học của HS, hiểu được những điều HS suy nghĩ và cảm nhận (năng lực hiểu HS); (2) Hiểu biết về kiến thức và nội dung cần dạy học và giáo dục (năng lực về nội dung giáo dục); (3) Năng lực lựa chọn hình thức tổ chức và sắp xếp các hoạt động giáo dục phù hợp (năng lực về phương pháp giáo dục).

3) Bên cạnh những năng lực đó, GV cũng hình thành thái độ chấp nhận thực tế và sự khác biệt của mỗi HS trong quá trình học. GV có thái độ tự học và hợp tác tích cực với đồng nghiệp để tìm những giải pháp dạy học và giáo dục phù hợp với HS (các phẩm chất mới của GV).

Có 3 triết lý của SHCM-NCBH hướng tới: (1) Đảm bảo cơ hội học tập và phát triển cho mọi HS; (2) Đảm bảo cơ hội học tập và phát triển chuyên môn cho mọi GV; (3) Xây dựng mỗi nhà trường trở thành cộng đồng học tập, tại đó HS, GV và phụ huynh đều có cơ hội tham gia vào quá trình học tập cho chính mình.

Với ý nghĩa đó, SHCM-NCBH được coi như một công cụ đổi mới nhà trường theo lô-gic: SHCM-NCBH làm thay đổi mỗi GV dẫn đến thay đổi HS, kéo theo thay đổi nhà trường.

2. Một số kết quả, hiệu quả SHCM-NCBH ở GDTH thành phố Bắc Giang trong thời gian qua.

Trong thời gian qua SHCM-NCBH ở GDTH thành phố Bắc Giang đã đem lại một số kết quả, đó là: (1) Nhờ việc vận dụng ưu thế của SHCM-NCBH là quan sát việc học của HS ở tất cả các lớp học, ghi lại các hình ảnh tình huống HS tiêu biểu, hình ảnh thực tế cảnh quan, CSVC nhà trường, việc chấm chữa bài của GV sau đó phân tích cụ thể, tỉ mỉ mà CBQL, GV các nhà trường đều nhận ra các vấn đề cần thay đổi, điều chỉnh kịp thời, hiệu quả. (2) Cách thức vận dụng phương thức kỹ thuật SHCM-NCBH gắn với kiểm tra, tư vấn chuyên môn đã giúp các nhà trường cập nhật, hiểu rõ hơn các yêu cầu nhiệm vụ của năm học để tổ chức thưc hiện đúng, đủ, kịp thời và hiệu quả. (3) Nhờ phương thức phân tích tình huống ví dụ cụ thể từ HS mà các khóa bồi dưỡng chuyên môn của Phòng GD&ĐT có chất lượng, đạt hiệu quả cao nhất. (4) Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình SHCM-NCBH trên diện rộng toàn thành phố, hàng tháng, Phòng GD&ĐT đều thống kê, báo cáo số lượng các buổi SHCM, các chuyên đề. Cuối năm học, các trường đều đã làm minh chứng cho hoạt động này. SHCM-NCBH đã trở thành nề nếp, là hoạt động không thể thiếu trong các trường tiểu học thành phố.

Nhờ SHCM-NCBH theo mô hình điểm, giao lưu cấp thành phố, cụm trường mà các GV dạy môn chuyên có có hội được học hỏi về chuyên môn (điều này rất hiếm xảy ra trước đây). Đến nay, hầu hết các trường đã tự tổ chức các buổi SHCM-NCBH đúng kỹ thuật cơ bản. Có một số trường đã thể hiện tổ chức có tính chuyên nghiệp từ khâu dự giờ, chuẩn bị ý kiến phân tích và thảo luận. Mỗi buổi SHCM đã đi sâu vào nghiên cứu các chuyên đề cụ thể, thiết thực có giá trị thực tiễn rất cao như: Tổ chức cho HS học tập cộng tác; đổi mới đánh giá HS theo hướng tiếp cận năng lực, phẩm chất; tổ chức cho HS tự học và giải quyết vấn đề; xây dựng mô hình thư viện mới, mô hình dạy mỹ thuật theo PP mới, vận dụng chọn lọc các ưu điểm của mô hình Trường học mới (VNEN),… SHCM-NCBH đã góp phần quan trọng giúp cho hoạt động thi GVGD các cấp trở nên chất lượng, thiết thực, thực chất hơn. Nhiều GV đã trưởng thành, trở thành GVDG thực sự nhờ trải nghiệm đổi mới trong SHCM-NCBH tại trường. SHCM-NCBH cũng rất thiết thực với việc giúp GV đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp GV tiểu học mới ban hành.

3. SHCM-NCBH có liên quan gì với thực hiện Chương trình GDPT 2018?

Từ khi Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT ban hành, thông qua liên kết thực hiện yêu cầu "chuyển từ giáo dục tiếp cận nội dung sang giáo dục tiếp cận năng lực HS" và đổi mới đánh giá HS tiểu học, các buổi SHCM-NCBH ở thành phố đã giúp nhiều CBQL, GV cấp tiểu học sớm nắm bắt và hiểu rõ các định hướng đó thể hiện như thế nào trong một bài học, tiết học cụ thể. Họ đã hiểu sâu sắc vì sao cần giáo dục HS cả kiến thức, kỹ năng và năng lực phẩm chất? thế nào là năng lực phẩm chất? biểu hiện cụ thể ở HS trong lớp, ở trường là gì? GV và HS đang gặp khó khăn gì khi thực hiện yêu cầu mới này? GV cần gì, làm thế nào để giúp HS hình thành và phát triển các năng lực đó,... Nhờ đó, nhiều GV đã dần chủ động và tự tin thực thi Chương trình GDPT 2018 tới đây.

4. Một số khó khăn, thách thức trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện SHCM-NCBH.

Mặc dù đạt được những kết quả như trên nhưng việc triển khai SHCM-NCBH trên địa bàn thành phố cũng còn nhiều điểm hạn chế, khó khăn, đó là:

1) Việc hiểu về ý nghĩa, tác dụng, các nguyên tắc kỹ thuật chuyên sâu về quy trình SHCM-NCBH của một số CBQL còn hạn chế, đôi khi hiểu lầm. Một số đơn vị triển khai tập huấn chưa đầy đủ nên việc tổ chức các buổi SHCM chưa đúng bản chất, chưa đúng quy trình thực hiện nên chưa thể phát triển và đem lại hiệu quả thiết thực.

2) Một số đơn vị thực hiện SHCM-NCBH theo hướng làm theo phong trào, chưa đi vào thực chất. Năng lực tổ chức, điều hành các buổi SHCM-NCBH của CBQL một số trường còn hạn chế nên hiệu quả học hỏi chưa cao.

3) CBQL chưa xây dựng được các chuyên đề, chủ đề cho một buổi SHCM. Chưa biết khai thác tình huống, dẫn dắt GV thảo luận để học hỏi hiệu quả. GV chưa đẩy cao chất lượng việc học của HS bằng việc đổi mới thiết kế bài học, tổ chức GV phân tích tình huống bằng hình ảnh và trình chiếu. Chưa có khả năng quay phim, chụp ảnh, lấy tư liệu hình ảnh chất lượng, tiêu biểu, nhanh chóng để phân tích. Các tổ chuyên môn nhiều trường chưa đủ năng lực tự tổ chức, điều hành một buổi SHCM-NCBH một cách chuyên nghiệp, chất lượng thực sự.

4) Nhân lực có chất lượng về tổ chức, điều hành các buổi SHCM-NCBH một cách bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả còn ít. Người điều hành chưa đủ năng lực để thông qua SHCM-NCBH gắn kết giúp GV chuẩn bị tốt các yêu cầu của Chương trình mới 2018, chuẩn nghề nghiệp GV.

Chia sẻ, suy ngẫm trước toàn trường

5. Một số nhiệm vụ, giải pháp tổ chức, chỉ đạo triển khai SHCM-NCBH trong thời gian tới.

Để tiếp tục triển khai SHCM-NCBH gắn với thực hiện Chương trình GDPT 2018 đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới các chúng ta cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, Phòng GD&ĐT và các nhà trường coi SHCM-NCBH là nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên để gắn kết thực hiện hiệu quả đổi mới GD&ĐT theo Chương trình GDPT 2018. Việc tổ chức, chỉ đạo triển khai hoạt động này trong nhà trường phải có kế hoạch, tiến hành thường xuyên; lấy phương thức kỹ thuật SHCM-NCBH để tập huấn, bồi dưỡng và giúp GV hiểu được, làm được và có động lực tốt để thực thi hiệu quả Chương trình GDPT 2018.

Hai là, Phòng GD&ĐT duy trì, phát huy tốt các biện pháp quản lý đang tiến hành: Thành lập Tổ cốt cán cấp thành phố. Tiếp tục tổ chức tập huấn để thay đổi nhận thức của đội ngũ CBQL, GV cốt cán về SHCM-NCBH. Đẩy mạnh SHCM-NCBH tại các trường điểm. Kiểm tra chuyên đề, tư vấn chuyên môn các trường bằng phương thức SHCM-NCBH. Thu thập minh chứng cuối năm về mô hình SHCM. Tổ chức SHCM cấp thành phố.

Ba là, các cấp quản lý cũng như GV cần xây dựng lộ trình và tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật. SHCM truyền thống đã trở thành thói quen, không thể ngay lập tức thay đổi và làm theo cách mới hiệu quả được. Quá trình học tập và thay đổi phương pháp cần có thời gian, do đó việc triển khai SHCM-NCBH tại trường cần có bước đi thích hợp, không nóng vội; phải đảm bảo tuân thủ các kỹ thuật tổ chức thực hiện và tần suất thực hiện.

SHCM-NCBH có các yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật, nếu không làm đúng, sẽ trở về SHCM truyền thống. Để hành thành và phát triển được các năng lực chuyên môn, đòi hỏi GV phải được thực hiện SHCM-NCBH thường xuyên,  tối thiểu 2 buổi/tuần.

Bốn là, Hiệu trưởng các trường cần có tầm nhìn, sứ mệnh phát triển cho nhà trường dựa trên SHCM-NCBH có niềm tin và phải nuôi dưỡng tầm nhìn, niềm tin ấy. Hiệu trưởng cần xây dựng kế hoạch có lộ trình triển khai trong nhiều năm (3-5 năm). Thiết lập nhóm GV cốt cán trong nhà trường đề cùng đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật, động viên CB, GV trong trường tham gia SHCM-NCBH.

Năm là, các trường khi tổ chức SHCM-NCBH phải thực hiện nghiêm quy trình 4 bước: (1) Chuẩn bị bài học minh họa; (2) Tiến hành bài học minh họa/dự giờ; (3) Suy ngẫm/thảo luận, chia sẻ; (4) Áp dụng các bài học SHCM vào bài học hằng ngày. Hiệu trưởng các nhà trường cần có biện pháp thúc đẩy GV vận dụng kết quả SHCM-NCBH vào thực tế một cách tự giác và thực chất.

Chương trình GDPT 2018 sẽ chính thức được thực hiện bắt đầu ở lớp 1 từ năm học 2020-2021, một trong các điều kiện quan trọng để thực hiện hiệu quả là năng lực đáp ứng của đội ngũ CBQL và giáo viên các nhà trường. Với đặc điểm, tính chất phù hợp thực tiễn, đã từng đem lại kết quả thiết thực đối với GDTH thành phố thời gian qua, SHCM-NCBH sẽ góp phần quan trọng nâng cao năng lực CBQL và GV để thực thi Chương trình GDPT 2018 một cách thuận lợi, chất lượng và hiệu quả./.

Tài liệu tham khảo:

1. Hướng dẫn SHCM dựa trên nghiên cứu bài học -Tổ chức Plan Việt Nam (2013).

2. Nghiên cứu bài học vì cộng đồng học tập - Sách hướng dẫn đổi mới nhà trường bền vững - Eisuke Saito, Masatsugu Murase, Atsushi Tsukui và John Yeo (2014).

3. Chia sẻ kinh nghiệm triển khai Mô hình SHCM dựa trên nghiên cứu bài học – Tổ chức Plan Việt Nam (2019).

 

Nguyễn Văn Phái- PTP GD&ĐT TP Bắc Giang


Tác giả: Nguyễn Văn Phái- PTP GD&ĐT TP Bắc Giang
Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Chân trang

UBND THÀNH PHỐ BẮC GIANG

PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Địa chỉ: Tầng 6, tòa nhà HĐND-UBND thành phố - Số 01, đường Lê Thánh Tông, Tân Tiến, TP. Bắc Giang

Điện thoại: (02043) 854.496 - Email: pgdtpbg@bacgiang.edu.vn

Trưởng ban biên tập: Đỗ Văn Quý - Trưởng phòng GD&ĐT

Thiết kế bởi Viettel Bắc Giang